Đua xe là một trong những môn thể thao hấp dẫn nhất thế giới, đem lại cho người xem những hình ảnh tốc độ, cảm giác mạnh nhưng cũng không kém phần nguy hiểm cho các tay đua và cả những người hâm mô xem trực tiếp.
Cả Ô tô và Mô tô đều có những giải đua đầy khốc liệt. Nổi bật nhất trong lĩnh vực Ô tô là Giải đua F1 (Formula 1) và MotoGP dành cho các tín đồ đam mê mô tô phân khối lớn với quy mô tổ chức hoành tráng và đảm bảo an toàn tối đa. Nhưng cũng có những giải đua đầy nguy hiểm và rủi ro như Isle of Man TT. Trong bài viết này, xin mời các bạn cùng Motosaigon tìm hiểu chi tiết các giải đua xe mô tô danh tiếng nhất thế giới. Nguồn: Vietnam Racing Academy.
Các giải đua xe mô tô danh tiếng nhất thế giới
1. Giải đua xe MotoGP (Motorcycle Grands Prix)
Nếu F1 nổi tiếng nhất trong phân khúc Ô tô thì MotoGP (Motorcycle Grands Prix) được biết đến nhiều nhất ở làng môtô thế giới. Tốc độ ở MotoGP cũng không kém gì trên đường đua F1, nhưng sự hấp dẫn thậm chí có thể hơn, bởi hình ảnh mỗi lần ôm cua sát đất, núp gió tăng tốc mà các tay đua vẽ ra “phiêu” hơn rất nhiều so với F1. MotoGP xuất phát từ những giải đua xe tổ chức ở đảo Isle of Man nằm giữa Anh và Ireland.
Theo thống kê thì tỉ lệ người thích xem Moto GP cao hơn so với giải đua xe F1, bởi tính hấp dẫn và nguy hiểm cao hơn. Cảm giác ôm cua, nghiêng đổ xe của các tay đua chính là “nhân tố” đem lại sự hấp dẫn cho giải đua xe này.
MotoGP gồm 3 hạng mục là Moto3, Moto2 và MotoGP.
- Moto3 trước đây dành cho những xe 125 phân khối, hiện nay nâng cấp lên động cơ 4 thì 250 phân khối, trọng lượng đầy xăng tối đa 65 kg. Ở hạng đua Moto3, tuổi tác của những tay đua sẽ được giới hạn từ 25 đến 28 tuổi.
- Moto2 trước dành cho 250 phân khối, nay nâng lên 4 thì 600 phân khối.
- MotoGP từ 800cc lên 1.000cc kể từ mùa giải 2012. MotoGP là giải lớn nhất trong tổng số 3 giải, hàng năm có 18 giải GP tổ chức trên toàn thế giới.
Các xe được các hãng thiết kế đặc biệt và trang trị các công nghệ tối tân nhất của mình. Đây cũng là các mẫu xe sẽ trở thành hình mẫu cho các phiên bản thương mại. Ví dụ: như Honda CBR600RR từ RG211V, Honda CBR1000RR-R từ RC213V, Yamaha R1 từ M1 v.v…
Và trong năm 2020 khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, FIM cũng đã bất ngờ tổ chức Giải đua xe ảo Virtual MotoGP đầu tiên với sự tham gia của các tay đua nổi tiếng. Xem thêm: Virtual MotoGP 2020.
2. Giải đua xe Isle of Man TT: Giải đua xe nguy hiểm nhất hành tinh
Isle of Man là tên một hòn đảo ở Ireland, nơi đây có tuyến đường chính của đảo rất nguy hiểm với nhiều góc cua khuất, mặt đường lại nhỏ hẹp. Giải Isle of Man TT (Tourist Trophy) được tổ chức mỗi năm một lần vào hai tuần, tuần cuối tháng 5 và tuần đầu tháng 6.
Các tay đua với tốc độ trung bình 200 km/h nhưng không hề có khoảng trống bảo hiểm hai bên đường đua như MotoGP, thay vào đó là vách đá sừng sững và hàng rào của nhà dân.
Mới đây tay đua 43 tuổi người Nhật Yoshinari Matsushita đã tử nạn tại vòng loại Isle of Man TT, là người thứ 240 tử nạn của giải đua này. Đó là lý do khiến Isle of Man TT được đánh giá là giải đua khốc liệt và nguy hiểm nhất hành tinh, hơn cả MotoGP.
3. Giải đua xe MotoE: Giải đua xe Mô tô điện
MotoE – Giải đua xe moto điện hoàn toàn mới đã chính thức khởi tranh vào năm 2019. Đây là giải đua xe sử dụng xe động cơ điện. Mỗi cuộc đua sẽ có từ 7 đến 10 vòng thi đấu. Vào thứ 6 và thứ 7, các tay đua sẽ được tập làm quen sân trước khi thi đấu chính thức và ngày chủ nhật.
Vòng thi đấu đầu tiên của mùa giải 2019 Giải đua xe moto điện MotoE diễn ra tại Jerez (Tây Ban Nha) vào tháng 5/2019, vòng tiếp theo sẽ diễn ra tại Sachsenring (Đức) vào tháng 7 và tháng 8 sẽ được tổ chức tại đường đua Red Bull Ring của Úc.
Thông số kỹ thuật của một mẫu xe đua tại MotoE
- Động cơ: Làm mát bằng dung dịch, sử dụng nam châm vĩnh cữu
- Công suất tối đa: 147 mã lực
- Gia tốc: 0-60 mph (96 Km/h) trong 3 giây
- Tốc độ tối đa: 155 mph (250 km/h)
- Mô-men xoắn: 147.5 Nm tại 5.000 vòng/phút
- Nguồn pin: High-voltage lithium-ion
- Thời gian sạc: 0-85 % trong 20 phút thông qua công nghệ sạc nhanh DC được phát triển bởi CCS Combo
Tay đua người Thái RatthaPark có dịp test mẫu xe đua của giải MotoE tại trường đua Chang International Circuit nhân sự kiện PTT Thailand Grand Prix 2018.
4. Giải đua xe WSBK (World Superbike Championship)
WSBK (World Superbike Championship) hay còn được gọi là SBK, World Superbike, WSBK là giải vô địch đua xe Superbike trên toàn thế giới, giải đua được thành lập vào năm 1988. Mỗi năm có 2 giải vô địch, một cho tay đua và một cho hãng xe.
Các “Chiến mã” tham dự giải đua đều có cấu hình tương tự những mẫu xe thương mại, được nâng cấp một số bộ phận, trang bị cao cấp đắt tiền hơn, nói chung về vẻ bên ngoài chúng không khác biệt so với các dòng xe chạy đường phố, và động cơ được phép tinh chỉnh đặc biệt.
Xem thêm: Giải đua xe WSBK vs MotoGP có gì khác biệt?
5. Giải đua xe WorldSSP: Supersport World Championship
Giải đua xe WorldSSP (Supersport World Championship) cũng là một thể thức đua dành cho những loại xe mô tô phân khối lớn sản xuất thương mại được tinh chỉnh động cơ. Để được phép tham dự giải đua này, các xe đua phải được trang bị động cơ 4 thì có dung tích từ 400cc đến 600cc với loại động cơ 4 xy lanh và dung tích từ 600cc đến 750cc đối với động cơ 2 xy lanh.
Quy định của Supersport có phần chặt chẽ hơn so với giải đua WSBK, gồm động cơ xe tham dự phải có kích thước tương đương như động cơ tiêu chuẩn, có thể tinh chỉnh công suất động cơ những cũng được kiểm soát rất nghiêm ngặt. Các cuộc thi WorldSSP nổi tiếng có thể kể đến gồm AMA Supersport Championship, British Supersport Championship và Supersport World Championship.
6. FIM Endurance World Championship
Đây là cuộc đua thử thách độ bền của chiếc xe và cả sức bền thể lực của tay đua. Mỗi đội có nhiều tay đua khác nhau và có thể thay người trong suốt chặng đua rất dài. Thể thức cuộc đua là hoàn thành số vòng đua (laps) trong thời gian nhanh nhất, hoặc hoàn thành càng nhiều vòng đua (laps) càng tốt trong khoảng thời gian nhất định. Độ bền và độ tin cậy của chiếc xe mô tô là một trong những yếu tố quan trọng nhất của giải đua này.
Các chặng đua tiêu biểu:
Race (Chặng đua) | Circuit (Trường đua) |
---|---|
Bol d’Or | Circuit Paul Ricard (Pháp) |
Sepang 8 Hours | Sepang International Circuit |
24 Heures du Mans Moto | Le Mans (Pháp) |
8 Hours of Slovakia Ring | Slovakia Ring |
8 Hours of Oschersleben | Oschersleben (Đức) |
Coke Zero Suzuka 8 Hours | Suzuka (Nhật) |
7. Các giải đua xe Motocross
Giải đua xe mô tô thế giới Motocross (hoặc có tên gọi khác là MX) cũng tương tự như các giải đua xe khác, nhưng điểm khác biệt lớn nhất đó là điều kiện đường đua khác nghiệt kiểu off-road.
Vòng đua khép kín được xây dựng để gây thử thách đối với tất cả tay đua gồm hỗn hợp đường từ đất, cát, bùn và mặt cỏ…thậm chí mô phỏng địa hình mấp mô. Chính bởi điều kiện khắc nghiệt của đường đua, các xe tham dự thường tập trung vào hệ thống treo, phuộc nhún tốt để đáp ứng tốt với đường đua địa hình. Motocross còn nổi bật bởi thể thức trao giải khác biệt, đôi khi có những giải phụ đối với những tay đua vượt qua những thử thách nhất định trong chặng đua. Đương nhiên tay đua về đích đầu tiên giành giải vô địch trong quảng thời gian quy định hoặc số vòng đua tùy vào thể thức tổ chức cảu giải đua.
Các giải đua xe Motocross:
- FIM Motocross World Championship
- AMA Motocross Championship
- Motocross des Nations
- British Motocross Championship
8. Các giải đua xe SuperCross
Giải đua xe mô tô Supercross là biến thể của Motocross nhưng được tổ chức trong nhà. Thường được tổ chức trong các sân vận động với điều kiện đường đua khác biệt hơn tập trung vào kỹ thuật của tay lái.
Ở Bắc Mỹ, Supercross rất phát triển. Tuy nhiên tại Châu Âu, Motocross vẫn thống trị và người ta phân biệt 2 giải đua này qua cách thức tổ chức và tạm gọi Supercross là tổ chức trong nhà và Motocross là ngoài trời.
9. Các giải đua xe Supermoto
Giải đua xe mô tô thế giới Supermoto là giải đua hỗn hợp kết hợp đường nhựa và đường địa hình. Loại xe mô tô tham dự chủ yếu thuộc loại xe địa hình tham dự giải Motocross.
Do sử dụng loại xe địa hình đặc biệt, cho nên kỹ thuật vào cua cũng rất khác biệt, so với các giải đua khác như MotoGP hay Superbike, kỹ thuật vào cua thường sử dụng là kỹ thuật cua hạ gối, nhưng ở Supermoto các tay đua sẽ ôm cua với 1 chân duỗi thẳng và sử dụng quán tính của xe để vào cua đẹp mặt.
10. Các giải đua xe Enduro
Enduro là một thể loại của đua xe địa hình tập trung vào thử thách độ bền của xe và cả người điều khiển. Thông thường mỗi tay đua phải hoàn thành vòng đua hơn 10 dặm (hơn 15km) đường địa hình xuyên rừng. Vòng đua sẽ đặt ra nhiều chặng với mục tiêu hoàn thành trong một quảng thời gian nhất định, và sẽ có hình thức phạt nếu thực hiện sớm hơn hoặc trễ giờ, cho nên yếu tố “đúng giờ” là quan trọng nhất.
Một giải đua tiêu chuẩn thường diễn ra trong vòng 3 – 4 tiếng, một số giải đua khác diễn ra trong quảng thời gian dài hơn. Trong các giải quốc gia hay thế giới, giải đua có thể diễn ra nhiều ngày, việc bảo trì xe được kiểm soát rất nghiêm ngặt trong suốt chặng đua để đảm bảo yếu tố công bằng.
Có thể kể đến các giải đua Enduro nổi tiếng như World Enduro Championship (WEC) xuyên châu Âu, và giải nổi bật nhất là International Six Days Enduro tranh tải các đội đến từ nhiều quốc gia.
The post Các giải đua xe mô tô danh tiếng nhất thế giới appeared first on Motosaigon.